Saturday, October 3, 2009

Kính gửi Ðại Tướng Stanley McChrystal, Tư lệnh chiến trường A Phú Hãn

Kính gửi Ðại Tướng Stanley McChrystal
Tư lệnh chiến trường A Phú Hãn


Thưa Ðại Tướng,

Là một cựu quân nhân quân lực VNCH, với 23 năm chiến đấu trong cuộc chiến tranh tự vệ của đất nước chúng tôi, bị tấn công dưới hình thức chiến tranh nổi dậy, tôi tự thấy có bổn phận phải viết thư trình bầy với ông về hai đặc điểm của loại chiến tranh này, và nhắc ông một điều ông cần quan tâm.

Ðặc điểm thứ nhất của loại chiến tranh counterinsurgency là giao thông chiến, loại giao tranh đang xẩy ra mỗi ngày giữa quân đội Hoa Kỳ và những quả mìn gài trên đường. Quả mìn rẻ tiền, dễ làm, nhiều khi không cần đến một người sử dụng, nhưng trong 8 năm nay đã giết 354 quân nhân Hoa Kỳ trong tổng số 592 người tử trận. Con số này không chính xác đến mức từng tử sĩ, nhưng cũng rất gần với thật tế. Nói cách khác, trên 60% tử sĩ chết ngay trong tiếng nổ của quả mìn, không được giao tranh với địch quân và cũng không có cơ hội tự vệ.

Không vị tướng lãnh nào có thể nói là mình chủ động trong giao thông chiến. Hoàn toàn bị động, người lính chỉ biết giao tranh xẩy ra sau khi nghe tiếng mìn nổ; trong đa số những trường hợp xe trúng mìn, tiếng nổ gây tổn thất cho chúng ta tức khắc, mặc dù loại xe MRAP (mine-resistant ambush-protected vehicles) có bảo vệ nguời lính ngồi trong xe.

Một chiếc xe MRAP “nuốt mìn, vượt phục kích” của TQLC bị mìn loại ra ngoài vòng chiến

Một nguời lính nói với phóng viên truyền thông là “Chúng ta chế ra loại xe đáy dầy hơn, thì tụi nó sẽ chế ra quả mìn lớn hơn,” câu nói nôm na không mang tính kỹ thuật, nhưng không hẳn không đúng, và thiết giáp cũng không phải là chiến cụ hữu dụng lắm trong chiến tranh chống nổi dậy.

Mặc dù kỵ binh không giải quyết chiến tranh nổi dậy, nhưng thiết giáp và loại xe MRAP vẫn hữu dụng trong hai công tác hộ tống công voa và mở đường, nhưng mở đường lại là việc không nên làm.

Chỉ cần nhìn tấm hình dưới đây, mọi người đều biết công tác mở đường không mang lại một ích lợi thiết thực nào cả.

một cuộc hành quân mở đường

Quân nổi dậy có thể phục cách mặt đường 500 thước mà vẫn không bị phát hiện, và nửa tiếng đồng hồ sau khi cánh quân mở đường đi qua, địch quân lại có thể gài hàng chục quả mìn đón đoàn công voa sắp đến, ấy là chưa nói, trước khi hành quân mở đường khai diễn chúng đã gài mìn chào đón những chiếc thiết giáp mở đường.

Có thể né tránh công tác mở đường bằng những hoạt động khác, sẽ được đề cập trong đoạn sau, nhưng không thể né tránh việc sử dụng mặt đường để tiếp tế; công voa tiếp vận là hình thức lệ thuộc vào trục đường, nhưng nhu cầu tiếp tế vẫn tiếp tục làm quân đội Hoa Kỳ không rời bỏ được trục đường đầy cạm bẫy nguy hiểm.Tại Iraq, Hoa Kỳ đã mướn tài xế dân sự người địa phương lái xe vận tải tiếp vận cho quân đội, và mướn những nhà thầu dân sự cung cấp nhân viên võ trang bảo vệ công voa.

Ðó không phải là giải pháp tuyệt hảo, nhưng vẫn là giải pháp giúp giảm thiểu tổn thất nhân mạng trong quân đội.

Ðặc điểm thứ nhì của chiến tranh counterinsurgency là nhu cầu bảo vệ dân chúng; đặc điểm này phức tạp hơn việc tránh quả mìn để tránh tổn thất. Mục đích quân sự của công tác bảo vệ dân chúng là ngăn cấm không cho địch quân cướp tài nguyên của dân để nuôi dưỡng chiến tranh.

Tại đồng bằng Việt Nam mà công tác bảo vệ quần chúng để đoạn lương Việt Cộng còn hữu hiệu đến mức khiến chúng điêu đứng, thì tại chiến trường A Phú Hãn rừng núi, việc bị đoạn lương có thể làm tê liệt hoạt động của quân Taliban.

Ðiều đầu tiên trong công tác bảo vệ dân chúng là không được lầm lẫn giữa bảo vệ dân chúng với bảo vệ làng thôn; tránh được lầm lẫn này là hủy bỏ được toàn bộ hệ thống phòng thủ phức tạp, gồm làng mạc, đồn bót, pháo binh, không quân yểm trợ, và bộ binh cứu viện; hệ thống phòng thủ này không những vô hiệu quả mà còn buộc chân toàn bộ 1 triệu quân trong quân lực VNCH vào gánh nặng phòng thủ diện địa. Nếu lực lượng quân sự lớn lao đó được vận dụng để chỉ truy kích, đuổi đánh Việt Cộng thôi thì chiến tranh đã ngã ngũ thắng lợi trong vòng một vài năm chứ không lây nhây kéo dài để kết thúc trong chiến bại.

Loại bỏ việc phòng thủ làng thôn trước nhất là loại bỏ cái hàng rào làm quanh làng, loại bỏ quan niệm tử thủ giữ làng, vì không một lực lượng nào đủ mạnh để bảo vệ một chiến lũy dài 4 cây số, trong giả thuyết một cái làng hình vuông, mỗi bề 1 cây số.

Chiến lũy bao quanh làng lại không có hiệu năng bảo vệ người dân sống trong làng. Ðại tá Phan Văn Huấn chỉ huy trưởng Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Nhẩy Dù viết, “ACLược tiêu biểu nhất ngày đó là ACL Lương Sơn, phía Bắc tỉnh Bình Thuận. ACL này có một vòng đai phòng thủ khá vững chắc, với một ông trưởng ấp chống cộng quyết liệt, nhưng cuối cùng cũng bị Việt Cộng kiểm soát sau khi ông trưởng ấp vị một tên nội gián ám sát. Dân chúng vẫn phải đóng thuế cho Việt Cộng, dân vệ thì ban ngày mới đi tuần tiễu quanh ấp, nhưng đêm đến rút vào đồn phòng thủ, chứ không dám ở trong ấp với dân.”

Tuy nhiên trên bình diện chiến lược, ACL vẫn hoàn thành được vai trò cắt tiếp vận của nó. Ðiểm sơ hở của ACL nằm trên bình diện chiến thuật: nó tạo ra quá nhiều mục tiêu cho địch tấn công, những cuộc tấn công mà lực lượng trong ấp phải thụ động chống trả, và những lực lượng hoả lực phải yểm trợ, lực lượng bộ binh phải tiếp viện.

Chỉ riêng hoả lực yểm trợ tại A Phú Hãn cũng đã gây ra rất nhiều dư luận chống đối vì bom và đạn đại bác gây tổn thất cho thường dân.

Cách phòng thủ hữu hiệu hơn là tạo một lực lượng dân quân khoảng 30 người cho mỗi thôn ấp có 1,000 nông dân: 3 người dân võ trang bảo vệ 100 người dân được tổ chức thành đội ngũ để tự vệ.

Ðại tá Trần Dzoãn Thường, chỉ huy trưởng Lực Lượng Ðặc Biệt C 4 tại Vùng 4 Chiến Thuật, viết, “…nhiệm vụ Quân Đoàn 4 giao cho tôi là ngăn chặn Việt Cộng xâm nhập từ Kampuchia, vì thế đã có nhiều trại LLĐB dọc theo biên giới do những thành phần Dân Sự Chiến Đâu (Civil Irregular Defense Group) do dân địa phương gia nhập, được huấn luyện quân sự khá vững để có thể phục kích trên những trục lô giao thông thủy bộ. Quân số ở mỗi trại có thể ở cấp đại đôi và thường do Tóan A LLĐB đảm trách Những trại dọc biên giới này phải thường xuyên phục kích ban đêm, hành quân lục soát ban ngày trong khu vực giao phó.

“Nguyên tắc là Không bao giờ để CS chủ động, tự tung, tự tác đánh phá. Phải để chúng luôn luôn ỏ thế thụ động mà phe Ta là Chủ động, do đó Dân Sự Chiến Đấu hoàn toàn là dân địa phương, họ hoạt động cho sự an ninh, vì sự an ninh của quê hương, bản quán nên rất tích cực, không ngại khó, không sợ khổ.”

Nguyên tắc “sử dụng người địa phương bảo vệ người địa phương cũng đã được trung úy Nguyễn Mâu, ngày còn là quận trưởng Thới Bình áp dụng rất hiệu quả. “Thanh niên, thanh nữ Cộng Hòa”, một hình thức nhân dân tự vệ ngày đó, tự đảm nhận việc bảo vệ dân làng, Nghĩa Quân đóng vai trò tổ chức và chỉ huy các đơn vị nhân dân tự vệ, và Ðịa Phương Quân trở thành lực lượng chủ lực cấp quận.

Tác dụng của việc “tự vệ mà không nằm trong vòng đai ACL” là đặt lực lượng nhân dân tự vệ trực tiếp đối diện với địch, đối diện bằng mưu trí, bằng tình báo, và dĩ nhiên bằng vũ khí. Nếu ông ấp trưởng của ấp Lương Sơn không ỷ lại vào vòng đai ACL thì ông đã cảnh giác đề phòng nguy cơ bị nội gián ám sát.

Ðại tá Huấn viết, “Về chiến thuật, lực lượng địa phương phải “năng động hành quân đêm” (NÐHQÐ) mới có thế dành phần chủ động chiến trường được. Phục kích đêm chưa đủ để có thể gọi là NÐHQÐ, vì địch thường bám sát các vị trí đóng quân của ta, những toán quân đi phục kích đêm dễ dàng bị lộ vị trí phục kích ban đầu; do đó phải di chuyển đến những vị trí phục kích khác, hay tốt hơn nữa là tập hành quân đêm để tìm đánh địch.

“Chỉ có lực lượng địa phương mới NÐHQÐ được; lực luợng đồng minh không làm được việc này. Chiến trường A Phú Hãn mà không tổ chức được lực lượng địa phương có khả năng NÐHQÐ thì về lâu, về dài, quân Taliban sẽ nắm thế chủ động và làm cho quân đồng minh phải tháo chạy.

“Ngoài 3 việc phục kích đêm, di chuyển địa điểm phục kích, và hành quân đêm, còn có một việc quan trọng nữa là “ém quân”, tức là dấu quân vào những vùng xôi đậu, để địch hoang mang không biết ta ở đâu.

“Ban ngày, lực lượng được ém tìm vị trí kín đáo để nghỉ ngơi, ngủ và ăn uống bồi dưỡng, đêm đến mới đi hành quân tìm địch, nếu địch đông thì gọi pháo binh hay phi cơ tiêu diệt, nếu ít thì tấn công, bắt tù binh để khai thác tin tình báo.”

Ðại tá Huấn kể lại những cuộc NÐHQÐ của Biệt Cách Dù: “Năm Mậu Thân 1968 khi địch đột nhập chiếm vùng Ngã Ba Cây Quéo và Ngã Ba Cây Thị trong Gia Ðịnh, chỉ cách tòa tỉnh trưởng 1 cây số. Mặt Cây Quéo do Nhẩy Dù, và mặt Cây Thị do TQLC giao tranh với địch. Sau hơn một tuần mà chiến trường vẫn chưa giải quyết được. Bộ Tổng Tham Mưu trao cho tôi trách nhiệm này, và chỉ một đêm tôi thanh toán xong mặt Cây Quéo. Hai hôm sau Biệt Cách Dù được điều động qua mặt trận Cây Thị; mặt trận này khá nặng vì lực lượng địch bị đánh bật ra khỏi Cây Quéo rút về bổ xung cho Cây Thị.

“Tôi lại áp dụng chiến thuật NÐHQÐ nên chỉ mất có 2 đêm là chiếm được Cây Thị. Tàn quân địch tháo chạy và bị TQLC mai phục vòng ngoài bắt sống trên 100 tên.”

Thưa Ðại Tướng,

Những tên Taliban tối tối ra mặt đường gài mìn, hiện đang sống ẩn núp trong các làng thôn A Phú Hãn; chúng sẽ bị trục xuất ra khỏi những ngôi làng này sau khi làng được tổ chức tự vệ. Mặt khác việc sử dụng quân lực A Phú Hãn với chiến thuật NÐHQÐ cũng sẽ tạo an ninh trên các trục đường, cải thiện cuộc giao thông chiến.

Ðại tướng hiện đang có từ 2,000 đến 4,000 huấn luyện viên Hoa Kỳ để huấn luyện quân sự cho quân đội A Phú Hãn. Việc huấn luyện này là công tác đầu tiên và căn bản để đào tạo ra lực lượng thay thế 100,000 quân Hoa Kỳ và đồng minh đang vật lộn với một chiến trường rừng núi, và đang đối phó với chiến lược insurgency của Taliban.

Câu hỏi tôi xin đại tướng tự nêu ra là những huấn luyện viên Hoa Kỳ sẽ dạy những gì cho quân A Phú Hãn. Giải đáp được câu hỏi này là nắm được một nửa bí quyết thành công, bí quyết chúng tôi học được bằng cái giá máu, và cái khổ nhục thất trận, mất nước.

Sau hai đặc điểm về chiến tranh counterinsurgency, tôi xin cảnh bảo với đại tướng là ông không chỉ đối đầu với quân Taliban trước mặt, mà còn phải đối đầu với mặt trận dư luận phía sau lưng .

Năm 1968 quân Việt-Mỹ thắng lớn trên khắp 300 địa điểm bị đột kích, nhưng đại tướng William Westmoreland đã bị đánh gục trên mặt trận dư luận. Trận Washington thất bại nặng nề đến mức chính vị tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ lúc đó, tổng thống Lyndon B. Johnson, cũng phải bỏ cuộc, không tái ứng cử nhiệm kỳ thứ nhì.

Vai trò của đại tướng rất khó, chúng tôi cầu nguyện ông thành công, và cầu nguyện cho số tử sĩ Hoa Kỳ mỗi ngày một ít hơn; chúng tôi thương yêu những người lính Mỹ đang tác chiến tại A Phú Hãn, vì họ là con, là cháu của 58,000 người lính Mỹ đã tử trận trong lúc giúp chúng tôi bảo vệ quê hương chúng tôi.

Nguyễn Ðạt Thịnh
Nguyendatthinh@aol.com

---